Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Hiểu ngôn ngữ bàn tay bé

“Nói chuyện” với bàn tay là một cách bày tỏ sự thích thú rất riêng của bé. Bé thích ngôn ngữ trìu mến của bạn và cũng muốn được bày tỏ theo ngôn ngữ của riêng mình... 

Mẹ cũng có thể rèn luyện cho bé có được các kĩ năng sử dụng bàn tay một cách khéo léo thông qua những loại đồ chơi xâu hạt, đồ chơi đập bóng


Từ 4 đến 5 tháng tuổi: Bàn tay của bạn dạy bé về cơ thể của bé

Vào lúc này, “công việc” lớn nhất của bé là khám phá đôi bàn tay của chính mình. Nó như một thứ đồ chơi hoạt động được, rất buồn cười để bé có thể nhìn, ngắm và… kiểm tra. Tương tự, đôi chân của bé cũng cử động, vượt qua tầm nhìn nên càng thu hút ánh nhìn của bé. Để tạo thuận lợi cho những trò chơi đầu tiên này, hãy đeo vào cổ tay hay mắt cá chân của bé những cái vòng nhỏ có thể phát ra âm thanh khi chuyển động. Em bé của bạn ngay lập tức sẽ hiểu rằng, chính những vận động của mình tạo ra những âm thanh này. Tuy nhiên, để thú vui không bị chuyển thành thói quen nhàm chán và có thể gây ra sự kích động quá độ, gây stress cho bé, bạn cần phải biết cách “điều độ” chúng và hãy luôn ở bên cạnh con.



Cùng với sự khám phá ra khả năng của đôi bàn tay, bé cũng dần nhận thức được cơ thể mình không dài như cơ thể của bạn, vì bé có thể cuộn tròn trong lòng bạn. Nhờ đó, bé sẽ bắt đầu tìm kiếm những sự khác biệt. Những cử chỉ âu yếu, động chạm nhẹ nhàng của bạn, khiến bé co mình lại và dần có khái niệm về “đường biên giới” của cơ thể mình với bên ngoài. Thế nên trong giai đoạn đầu này, bạn hãy luôn khơi gợi những trò chơi với đôi bàn tay cho bé.


Bắt đầu từ 5 tháng tuổi: Bàn tay của bé bước vào khám phá thế giới

Đây là giai đoạn mới trong quá trình khám phá của trẻ. Vì đã biết ngồi, nên bé có thể nhìn khắp xung quanh. Bàn tay không còn phải sờ soạng mà cùng với đôi mắt, bé sẽ khám phá những gì hấp dẫn. Rất nhanh, bé nhận ra là ngón cái và ngón trỏ có thể làm thành một “cái cào” rất hữu hiệu. Đây là thời điểm nên tập những bài tập với bàn tay, nhằm phát triển khả năng làm chủ các động tác của con. Lúc này, bàn tay như một công cụ tiêu biểu nhất để khám phá và hiểu biết. Bạn cũng sẽ có nhiều cảm xúc hơn với những trò chơi tương tác với sự tham gia tích cực hơn của bé.




Bạn đưa cho bé một đồ chơi nhỏ và để bé chơi một lúc. Sau đó, hãy đưa tay ra và nói: “Con đưa cho mẹ nhé”. Nếu bé đưa tay ra, hãy tận dụng cơ hội để bày tỏ tình yêu với con bằng cách bế bé lên cao, vỗ nhẹ vào má…, rồi “trả lại” cho bé tiếp tục chơi. Tiếp theo, cần đẩy ý tưởng trò chơi trao đổi này lên mức cao hơn. Chẳng hạn, bạn nói: “Con đưa cho mẹ quả bóng, mẹ sẽ đưa cho con cái thìa nhé!”. Như vậy, không chỉ phát triển khả năng dùng tay mà còn cải thiện khả năng ngôn ngữ và vốn từ vựng cho trẻ.

Từ 9 đến 12 tháng tuổi: Bàn tay bé bắt chước… tay bạn

Em bé hoàn toàn có khả năng làm theo những hành động như “tạm biệt”, “hoan hô”… và khiến bạn rất vui. Để giúp bé mở rộng một loạt những động tác bắt chước này, bạn hãy làm hai hoặc ba lần những động tác nhỏ, đơn giản, chính xác và gây ấn tượng mạnh… cho tới khi bé tự làm một mình. Nếu con không bắt chước được, bạn hãy để cho bé tự thực hiện các động tác của mình.

Các hoạt động này là rất quan trọng trong việc học ngôn ngữ của trẻ. Em bé sẽ nhanh chóng hiểu được ý nghĩa của hành động và thực hiện một cách có ý thức. Dần dần, bạn sẽ nhận thấy bé tự vỗ tay để bày tỏ cảm xúc thích thú, đưa tay ra chào khi đến nhà ai hay tạm biệt một ai đó.

Những động tác đi kèm với những câu đồng dao, sẽ giúp bé liên tưởng giữa các hoạt động tác với những từ có nghĩa. Các bài đồng dao luôn làm bé thích thú và sẽ học các trò chơi bằng động tác nhanh hơn. Điều này giúp bé có được sự phát triển diệu kỳ, cả về mặt ngôn ngữ lẫn động tác phối hợp, bởi sự liên hệ chặt chẽ. Thực tế, những âm điệu rõ ràng đều có liên quan đến động tác và ngược lại, những động tác sẽ trợ giúp cho sự ghi nhớ các từ này nhanh hơn, cho dù bé chưa phát âm được.

Khoảng 18 tháng tuổi: Bàn tay bé đã “biết nói”

Một khi đã nắm được những kỹ thuật “điêu luyện” của đôi bàn tay, những trò chơi khám phá ngày càng chính xác hơn và em bé sẽ có được những sự hiểu biết nhất định nào đó về các ngón tay của mình. Những câu đồng dao mới sẽ đi cùng những trải nghiệm khác nhau của bé về các ngón tay, bởi những nét đặc trưng riêng của chúng. Em bé cũng sẽ rất “tự hào” về ngón tay này, vì các hình dáng nhỏ bé ấy giúp bé dễ dàng phân biệt được nhiều thứ. Lợi ích của những trò chơi nhỏ này là giúp ngày càng chuẩn hoá những động tác của bé. Song song với đó, nội dung của những bài đồng dao hay những câu chuyện kể cũng trở nên dễ hiểu hơn và có cấu trúc chặt chẽ hơn.

Từ tháng thứ 30: Bàn tay bé gặp gỡ những bàn tay khác

Dần dần, trong các cuộc hội thoại, bằng cách bắt chước, vô hình các bé chuyển từ trò chơi cá nhân sang trò chơi tập thể. Như vậy, khi 2 tuổi rưỡi hoặc 3 tuổi, sẽ xuất hiện những vòng tròn quan hệ đầu tiên trong đời bé. Bàn tay gập lại và tiến lại gần bàn tay khác theo nhóm. Qua đó, những khởi đầu của quá trình xã hội hóa xuất hiện trong đời bé.

Vòng tròn, các bài hát, những câu đồng dao… gợi lên biết bao ý tưởng trong tâm trí bạn. Những lời Nói có nhịp điệu, những động tác có tính nghi thức luôn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và rồi một ngày nào đó, trở về từ nhà trẻ hay từ lớp học, hoặc sau một bữa tiệc sinh nhật, chính em bé sẽ khởi đầu và nắm lấy tay bạn để chia sẻ những khám phá mới của mình…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét